Bạn có thể thấy lúng túng khi chia sẻ việc này với người khác. Tuy nhiên, đây là những rối loạn hay gặp và bạn nên thẳng thắn trao đổi với bác sĩ. Điều quan trọng là bạn phải nói với bác sĩ về tất cả các triệu chứng tiêu hóa bạn gặp phải và tần suất xảy ra.
Bạn có thể bị một rối loạn tiêu hóa mạn tính như viêm đại tràng thể loét, bệnh Crohn hoặc bệnh tiêu chảy mỡ. Hoặc bạn có thể bị rối loạn chức năng đường ruột; hai dạng hay gặp nhất là hội chứng ruột kích thích kèm táo bón (IBS-C) và táo bón vô căn mạn tính (CIC).
IBS-C và CIC là gì?
IBS-C là một trong bốn phân nhóm chính của hội chứng ruột kích thích, một rối loạn chức năng tiêu hóa mạn tính do bất thường chức năng đường ruột, chứ không phải do các bất thường về cấu trúc hoặc sinh hóa.
Các triệu chứng IBS-C bao gồm đau bụng hoặc khó chịu, phân cứng, giảm nhu động ruột. Còn chưa rõ nguyên nhân gây IBS-C song bệnh có thể liên quan đến một số yếu tố như tính quá mẫn của các dây thần kinh ruột, rối loạn chức năng trao đổi trục não-ruột. CIC cũng gây ra các triệu chứng tương tự như phân cứng và giảm nhu động ruột, nhưng thường không liên quan với đau.
Điều trị IBS-C và CIC như thế nào?
Trước hết bạn cần trao đổi với bác sĩ để có chẩn đoán và tìm cách điều trị phù hợp. Hãy nói cho bác sĩ biết chi tiết về các triệu chứng bạn gặp phải, tần suất của các triệu chứng và cả những biện pháp bạn đã từng áp dụng để giảm nhẹ triệu chứng.
Mặc dù chưa có cách chữa IBS-C hoặc CIC nhưng có một số cách giúp kiểm soát các triệu chứng:
Thay đổi chế độ ăn: Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn có thể giúp làm mềm phân và chống táo bón. Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm hoa quả, rau xanh, đậu…Bạn nên tăng lượng chất xơ một cách từ từ để tránh nguy cơ đầy hơi hoặc chướng bụng. Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, rượu và đồ uống có chứa caffein như cà phê hoặc soda vì chúng sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Ngoài ra, nhiều người bị hội chứng ruột kích thích có thể không dung nạp với một số loại đường như fructose hoặc lactose. Hạn chế các thực phẩm chứa những loại đường này có thể giúp ích.
Các sản phẩm như sữa và phô mai là thực phẩm cần tránh khi bị đau bụng. Nhiều trẻ em khi sinh ra đã thiếu loại enzyme lactase cần thiết để phân giải đường lactose. Cho dù cơ thể bạn có sẵn lactase thì sự nhiễm khuẩn cũng có thể ảnh hưởng đến loại enzyme này. Điều đó khiến cho khả năng tiêu hóa lactose của cơ thể bạn mất đi tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây chứng uống sữa bị đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy.
Uống nhiều nước: Uống 6-8 cốc nước mỗi ngày đóng vai trò quan trọng để bổ sung nước cho cơ thể và hỗ trợ đi tiêu dễ dàng hơn.
Tăng cường tập luyện, giảm stress: Stress và lo âu có thể gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa. Tăng cường tập luyện như đi bộ hoặc tập yoga và học các kỹ thuật thư giãn sẽ giúp bạn đối phó với các tình huống căng thăng. Tuy nhiên, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện.
Trong một số trường hợp, thay đổi chế độ ăn và lối sống có thể là chưa đủ. Bác sĩ sẽ khuyến nghị các lựa chọn điều trị phù hợp với bệnh nhân dựa trên tình trạng và độ nặng của các triệu chứng IBS-C và CIC họ mắc phải. Điều quan trọng là bệnh nhân phải thông báo cho bác sĩ về các cách điều trị có tác dụng hoặc không có tác dụng mà trước đây họ đã từng áp dụng.
Các thuốc bán tự do (OTC): Điều trị bằng các thuốc bán tự do như thuốc nhuận nhàng và thuốc làm mềm phân đều sẵn có và được cho phép sử dụng trong điều trị chứng táo bón không thường xuyên. Tuy nhiên, không nên sử dụng những sản phẩm này dài ngày mà không có sự theo dõi của bác sĩ và không dược FDA phê chuẩn cho điều trị IBS-C hoặc CIC.
Các thuốc kê đơn: Có các thuốc kê đơn được FDA phê chuẩn để điều trị IBS-C và CIC.
Bạn nên thảo luận chi tiết với bác sĩ về các triệu chứng để tìm ra cách điều trị phù hợp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét