Trước những thông tin sữa nhiễm độc, nhiều bậc phụ huynh đã tần ngần với ý định đổi sữa cho con. Tuy nhiên, đối với trẻ dưới một tuổi, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp bé phát triển, Vì thế, các bà mẹ cần thận trọng khi đổi sữa cho con.
Những sai lầm
Khi đổi sữa cần thời gian ít nhất một tuần để bé làm quen. Không ít phụ huynh vừa đổi được hai-ba cữ sữa, thấy bé chưa có dấu hiệu gì đã vội vàng cho là không hợp và tiếp tục đổi. Cách đổi sữa này ảnh hưởng đến sự hấp thu và sự phát triển của trẻ. Khi đổi loại sữa cần lưu ý xem bé có bị phản ứng với sữa không (như bị táo bón, hay nôn trớ, bị nổi mẩn đỏ, tiêu chảy, không lên cân…). Ngoài ra, có không ít bà mẹ tự chế biến sữa cho con bằng cách trộn các loại sữa công thức với nhau hòng có được loại sữa… tối ưu. Song, trên thực tế, hấp thu nhiều loại sữa một lúc khiến bé dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Pha sữa không đúng như hướng dẫn cũng là nguyên nhân khiến bé bị táo bón, tiêu chảy. Dùng nước sôi để pha sữa công thức cũng khiến sữa mất sinh tố, khoáng chất nên dù bé dùng sữa nhiều vẫn không phát triển như mong muốn.
Khi nào nên đổi sữa?
Hãng sữa nào cũng có sữa công thức 1 dành cho bé dưới sáu tháng, công thức 2 dành cho bé trên sáu tháng với thành phần dinh dưỡng và đạm cao hơn. Do đó khi bé được sáu tháng cần đổi sữa công thức 2 của cùng nhãn hàng để phù hợp với sự phát triển của bé. Nếu không đổi sữa hoặc dùng không đúng sữa, chẳng hạn như bé dưới sáu tháng mà cho dùng sữa công thức 2 sẽ buộc quả thận còn non yếu của bé “lao động” nặng nhọc, ảnh hưởng đến chức năng thận và sức khỏe sau này. Còn khi bé hơn sáu tháng tuổi nhưng mẹ vẫn cho dùng sữa công thức 1 thì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng khiến bé còi cọc.
Riêng về đổi sữa khi bé mắc bệnh, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Hoa – BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho rằng: “Chỉ đổi sữa cho con khi có những dấu hiệu sau: dị ứng sữa bò, uống sữa bị đau bụng, trào ngược dạ dày thực quản, bé bị suy dinh dưỡng, béo phì, dùng nhằm lô sữa không an toàn… Mỗi trường hợp cần dùng loại sữa riêng. Tuy nhiên, việc đổi sữa vì bệnh lý cần thực hiện sau khi thăm khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và theo hướng dẫn của BS”.
Đổi sữa gì tốt nhất cho con?
BS Nguyễn Thị Hoa hướng dẫn: Nếu đổi sữa từ công thức 1 sang công thức 2 hoặc từ hãng sữa này sang hãng sữa khác thì nên đổi từ từ, thay dần các cữ sữa cũ bằng sữa mới. Còn đổi sữa do bệnh lý thì ngưng ngay sữa cũ. Ví dụ nếu dị ứng sữa bò thì đổi ngay sang sữa thủy phân. Nếu tiêu chảy thì đổi sang sữa không chứa lactose.
Theo các BS dinh dưỡng, dù các sản phẩm sữa được tăng cường nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ nhưng sữa mẹ vẫn là hoàn hảo nhất. BS Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Bé bú mẹ đúng cách, tăng cân từ 800g đến 1.500g/tháng nên không bị suy dinh dưỡng. Bé cũng không bị béo phì vì sữa mẹ không tiết ra “vô biên” dù bé “háu bú”. Bú sữa mẹ giúp bé không thấp còi, chỉ cần phơi nắng 10 phút mỗi ngày là bé sẽ hấp thu hết canxi trong sữa mẹ. Khi cho trẻ bú mẹ, trẻ sẽ ngủ ngon hơn và điều này cũng làm cho hormone tăng trưởng tiết nhiều hơn giúp cho trẻ cao hơn. Sữa mẹ có đủ các chất cần thiết cho cấu tạo tế bào thần kinh, dẫn truyền thần kinh và thị giác của trẻ. Sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu nên trẻ bú mẹ ít có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt giúp trí não của trẻ được nuôi dưỡng tốt đảm bảo cho cơ sở phát triển trí thông minh”.
Bé không được bú mẹ sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, bé được nuôi bằng sữa công thức dễ mắc bệnh nhiễm trùng (đặc biệt là nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa). Bé bú bình dễ bị rối loạn tiêu hóa như: uống sữa bị tiêu chảy, táo bón, nôn trớ… và béo phì cao hơn bú sữa mẹ. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, lưu kho, vận chuyển, bảo quản… nếu nhà sản xuất không bảo đảm tuyệt đối an toàn thì bé có nguy cơ cao đối diện với nhiễm độc vi khuẩn, hóa chất…!”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét